Tọa lạc tại số 2 Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt, khu biệt thự Trần Lệ Xuân lộng lẫy rộng trên 13 ngàn mét vuông vừa được nâng cấp trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Nơi lưu giữ hơn 30 ngàn mộc bản triều Nguyễn.
Mộc bản là bản gỗ khắc chữ ngược để in thành sách. Dưới triều Nguyễn các chiếu, dụ, chỉ của nhà vua hay các sách quốc sử, sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí được biên soạn, in ấn bằng mộc bản. Bản chính của các văn bản này gọi là châu bản. Mộc bản được làm bằng "gỗ cây nha đồng, tục danh là sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi" (trích Đại Nam Nhất Thống Chí). Theo một cán bộ của trung tâm thì vào năm Minh Mạng thứ 1 (1820) Quốc Sử Quán ra đời, là nơi đầìu tiên làm mộc bản. Đến năm Tự Đức thứ 2 (1849) đã cho xây dựng thêm Tàng Bản Đường để lưu trữ mộc bản. Trong hơn 100 năm tồn tại, Quốc Sử Quán đã biên soạn nhiều bộ sử sách giá trị. Qua nhiều đời vua triều Nguyễn, việc lưu giữ tài liệu mộc bản luôn được quan tâm. Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngoài chức năng đào tạo giáo dục còn tiếp nhận bảo quản tu bổ mộc bản in sách được thu chuyển từ Bắc Thành về, là nơi để học sinh - sinh viên tham khảo nghiên cứu.
Năm 1933, Quốc Tử Giám bị bãi bỏ, nhà trường được dùng làm trụ sở thư viện đầu tiên của Nam Triều. Năm 1937 đổi thành Thư viện Bảo Đại, về sau được đổi tên Viện Văn hóa Trung Phần. Năm 1959, toàn bộ văn khố Hoàng Triều gồm châu bản, mộc bản, địa bộ và sách Ngự Lãm được chuyển từ Viện Văn hóa Trung Phần về Đà Lạt, lúc đó được chọn làm "Kinh đô" của Hoàng Triều cương thổ, được Cục Lưu trữ quốc gia (Đà Lạt) âm thầm gìn giữ, bảo quản khá nguyên vẹn trong hàng chục năm. Từ vài năm qua, Cục Lưu trữ quốc gia tại Đà Lạt được đầu tư nâng cấp để trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; là nơi thu thập, lưu giữ tài liệu của 19 tỉnh - thành phố miền Trung, Tây Nguyên và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.
Hiện nay, khoảng 34 ngàn châu bản, mộc bản (đa số khắc chữ trên hai mặt) của triều Nguyễn đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV bảo quản trong kho chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại nhất Việt Nam thời điểm này. Theo các cán bộ của trung tâm, nếu xếp nối mộc bản sẽ có chiều dài trên 16 km. Thời gian qua, trung tâm đã in dập, phân loại, hệ thống hóa, quét và ghi toàn bộ bản dập tài liệu mộc bản vào CD-Rom để lưu giữ phục vụ mục đích tra cứu; xây dựng chương trình quản lý tài liệu mộc bản vào máy tính. Một nhà nghiên cứu sử học cho rằng đây là kho tư liệu quý, có thể cung cấp cho giới nghiên cứu nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại.
Kết hợp làm du lịch và nghiên cứu?
Trước đây, khu biệt thự Trần Lệ Xuân rất nổi tiếng vì có kiến trúc đẹp, tọa lạc trên một triền đồi chập chùng thông xanh. Độc đáo hơn, trong khuôn viên có một hồ bơi nước nóng trước biệt thự Bạch Ngọc, hiện nay đã được phục chế nguyên trạng. Khu hành chính hiện nay của trung tâm là biệt thự Lam Ngọc - nguyên là nơi nghỉ cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá ngụy quyền thời đó, còn nhà khách trung tâm hiện nay nguyên là khu biệt thự Hồng Ngọc lộng lẫy được Trần Lệ Xuân dành riêng cho bố đẻ là luật sư Trần Văn Chương, nguyên Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ.
Tại đây còn có một hoa viên, hồ nước có mô hình bản đồ Việt Nam đang được trung tâm khôi phục lại. Với những "lợi thế" có sẵn đó, được biết trung tâm đang dự định lập đề án sưu tập - trưng bày triển lãm tài liệu (chọn lọc) một số châu bản, mộc bản và các tác phẩm văn học, cổ vật... phục vụ mục đích nghiên cứu và tham quan du lịch. Nếu đề án này được thực hiện sẽ có thêm một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
No comments:
Post a Comment