Đồi Mộng Mơ là khu du lịch vừa quen mà vừa lạ. Nói quen vì nhiều người đã biết đến nơi này từ nhiều năm trước với tên gọi Hồ Rồng, còn lạ vì nơi đây sau khi “đổi chủ” được đầu tư thích đáng, chủ nhân luôn biết tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn du khách thập phương.
Mùa hè này khi đến với Đồi Mộng Mơ, bên cạnh rừng thông, những thảm hoa muôn sắc màu, rồng phun nước, “Vạn lý trường thành”, “Thác vàng”, khu trưng bày thú lạ, Làng văn hóa dân tộc… Đồi Mộng Mơ có thêm những sản phẩm mới mang đậm nét văn hóa như quầy viết thư pháp trên đá, tre, gỗ… do nghệ nhân Hồ Minh Tiến đảm nhận. Nhiều câu thơ, ca dao, tục ngữ nói đến công ơn cha mẹ, tình yêu đôi lứa, giao dục nhân nghĩa, ý chí vươn lên của người trẻ… được du khách chọn viết lên đá để làm qùa tặng người thân. Một phòng triển lãm tác phẩm tranh bướm độc đáo cũng vừa được khai trương do cơ sở Ánh Kim (Thị xã Bảo Lộc) giới thiệu, theo chủ nhận phòng tranh thì tranh bướm gợi nhớ lại tuổi học trò, giữ lại một chút mộng mơ như thi sĩ Giang Nam đã từng viết ”Những ngày trốn học - đuổi bướm cạnh bờ ao. Mẹ bắt được - chưa đánh roi nào đã khóc”.
Lần đầu tiên tại Đồi Mộng Mơ đưa dịch vụ chụp hình kỹ thuật số và in tráng ngay trên đĩa, ly tách, gạch men phục vụ du khách làm vật kỷ niệm ý nghĩa sau khi lưu lại Đà Lạt. Trên thảm cỏ xanh bên rồng phun nước là điểm trưng bày xe lambetta cổ ó chiếc trị giá 3.000 USD) du khách mặc sức chiêm ngắm và có thể ngồi lên chụp hình lưu niệm. Với những người yêu thơ và lãng mạn có thể đến “Vườn thơ” Hàn Mặc Tử và Trịnh Công Sơn, để chiêm ngắm chân dung và đọc thơ của hai thi sĩ tài ba này.
Du khách có thể gặp gỡ các già làng để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống, phong tục tập quán, những lễ hội lớn của đồng bào Nam Tây Nguyên như đâm trâu, gieo hạt, cúng mừng lúa mới… độc đáo hơn trong Làng văn hóa dân tộc có hẳn một nhà dài dùng để nấu rượu cần. Rượu cần được chưng cất bằng men lá gia truyền độc đáo, mang đậm hương vị cao nguyên là đặc sản của Khu du lịch Đồi Mộng Mơ (cùng với hầm rượu Mộng Mơ Tửu). Không chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, du khách còn có thể hòa mình vào sinh họat cộng đồng của con người bản địa Tây Nguyên qua sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, đây là kiệt tác văn hóa phi vật thể độc đáo của nhân lọai vừa được tổ chức UNESCO công nhận. Đối với đồng bào Tây Nguyên, văn hóa cồng chiêng là linh hồn, là sự sống, vừa mang tính xã hội, vừa mang tính tín ngưỡng và nhân văn sâu sắc.
Mỗi ngày Khu du lịch có 2 buổi biều diễn nhạc cụ dân tộc (từ 7h30-9h và 13h30-15h) và 2 buổi sinh họat văn hóa cồng chiêng (từ 9-11h và từ 15-17h) để du khách thập phương thưởng thức và tham gia múa hát. Trong 5 tháng đầu năm 2007, Đồi Mộng Mơ đón tiếp khỏang 300 ngàn du khách,những ngày đầu tháng 6.2007, trung bình mỗi ngày đón từ 4.000-4.500 khách, tăng 15% so cùng kỳ năm 2006.
No comments:
Post a Comment