Friday, January 4, 2008
Với ngàn thông Đà Lạt
Với ngàn thông Đà Lạt
sáng tác - tùy bút
Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến
Đà Lạt! Từ nhỏ, hai chữ đó đối với tôi như ngân lên từ một cõi nào xa lạ. Đà Lạt của những đồi thông. Đà Lạt của muôn ngàn cỏ hoa. Đó là thành phố của sương mù, không phải sương mù của trời đất, mà là sương mù của huyền thoại. Ngày xưa, khi con đi học, những cô bạn sinh viên dân gốc Đà Lạt học cùng lớp, với đôi má hồng hồng, với đôi mắt long lanh, dưới mắt tôi, trông giống như những cô gái bước ra từ một cõi thơ mộng hoang đường!
Và tôi tìm đến thành phố này đôi lần, như một khách nhàn du, để thưởng thức những rừng thông qua lớp sương mù cổ tích.
Nói đến Đà Lạt có lẽ là nói đến những đồi thông. Cỏ hoa Đà Lạt vô cùng xinh đẹp, song không hiểu sao, chúng lại chẳng hề gây được một ấn tượng nào sâu đậm trong tôi. Có lẽ những loài hoa đó, dẫu là những “kỳ hoa dị thảo” trong những lễ hội Festival lộng lẫy, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ở đâu đó. Còn những đồi thông, ta chỉ nhìn thấy ở Đà Lạt. Nó khác hẳn những đồi thông trên đường lên Tây Nguyên, hoặc những đồi thông trên đèo Hải Vân lộng gió. Có lẽ nhờ những lớp sương mù quanh năm lãng đãng. Những lớp sương mù đó đã tạo nên vẽ cổ tích và huyền thoại cho thành phố cao nguyên.
Những người thiết kế sân bay Liên Khương cách xa Đà Lạt quả đáng để du khách tri ân. Nếu bạn đến Tây Nguyên bằng máy bay, thì bạn sẽ mất cơ hội ngắm những đồi thông ven quốc lộ của tỉnh ĐăkNông cho đến cầu 14. Nhưng với Đà Lạt thì lại khác, dù đến Đà Lạt bằng máy bay, bạn vẫn có cơ hội ngắm nhìn những đồi thông nhấp nhô hai bên đường, từ bên này đèo Pren đến trung tâm thành phố.
Nếu thiên nhiên của Tây Nguyên hùng tráng như một bài sử thi với rừng núi nhấp nhô, với dòng sông Sê-Rê-Pôk cuồn cuộn chảy, thì thiên nhiên ở Đà Lạt lại êm đềm và mênh mông như một bài trường thiên lục bát, với những đồi thông thơ mộng.
Buổi tối, theo lời giới thiệu của một nhà thư pháp, tôi đến uống tại một quán cà phê, nơi anh có tặng cho bà chủ quán một bức thư pháp trên giấy dó. Quán không nổi tiếng lắm, hỏi không một ai biết. Tôi phải nhờ một anh xe ôm thuộc loại “thổ địa” đưa đến. Quán không có gì đặc biệt, nằm trên một đồi thông vắng vẻ, trên đường ra vùng ngoại ô thành phố. Trong bóng tối lờ mờ của những ngọn nến, bà chủ quán đứng tuổi tự chơi đàn Guitar và hát tặng khách những bài ca lãng mạn một thời vang bóng của Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Cung Tiến … Khách cũng có người hát giao lưu lại vài bài. Khách đến không được nói chuyện ồn, nếu không sẽ bị “mời” ra ngoài. Tôi sực nhớ lại chuyện đã từng bị chối ly rượu rhum thứ tư tại quán Uyên Phương trên Tây Nguyên, trong một đêm giá lạnh. Một quán không cho khách nói chuyện nhiều, với cái thông báo dán ngoài cửa (!), một quán không cho khách uống ly rượu thứ tư! Đó cũng là những cái “chảnh tỉnh lẻ” đáng yêu của những quán cà phê ở vùng cao nguyên.
Đến khoảng 9h tối, quán cà phê đã không còn chỗ ngồi. Dường như khách đến vì tò mò nhiều hơn là nghe nhạc, vì có rất nhiều chú nhóc khoảng 9-10 tuổi! Song quả là điều thú vị khi tôi ngồi nhâm nhi ly vang Đà Lạt để nghe nhạc, trong khi bên ngoài, sương đêm đang lặng lẽ rơi trên những hàng thông. Tôi vẫn thích nghe tiếng hát trực tiếp với cây guitar thùng, trong bầu không khí ấm cúng như thế này. Rất tiếc sự tĩnh lặng trong quán không phải là sự tĩnh lặng để thưởng thức âm nhạc, mà là sự tĩnh lặng gượng ép mang quá nhiều màu sắc phô trương, nên những giai điệu tự nó cũng trở nên lạc lõng, và mất đi ít nhiều vẻ quyến rũ vốn có từ những ca khúc tuyệt vời.
Dường như tôi có cái duyên uống rượu và nghe nhạc ở vùng cao nguyên. Lên Tây Nguyên, có dịp uống rượu gạo và nghe những giai điệu rực lửa tại nhà ca sĩ nổi tiếng Y Moan - đứa con của rừng -, tại căn nhà anh trong buôn Đhăprông, giữa buổi trưa hực nắng. Đến Đà Lạt lại được uống rượu và nghe một giọng hát dù hơi phô trương, nhưng vẫn còn khá ngọt ngào, từ người chủ quán vô danh trong một quán cà phê nhỏ trên đồi thông, giữa một đêm hè Đà Lạt. Đến Tây Nguyên mà nghe những giai điệu êm đềm, hoặc đến Đà Lạt để nghe những bài ca hùng tráng thì có lẽ cũng đều lạc điệu như nhau. Giống như bắt Từ Hải mặc áo lụa ngồi vẽ tranh và bắt Kim Trọng mặc áo giáp đứng múa kiếm!
Rời quán khi trời đã về khuya, tôi chạy xe quanh hồ Xuân Hương để tận hưởng cái lạnh về đêm và nhìn những hàng thông lặng lẽ thấp thoáng trong bóng tối, dưới bụi mưa giăng giăng bàng bạc. Tự dưng tôi bỗng nghiệm ra cái ý vị tuyệt diệu trong hai chữ “thu ý” của người xưa. Nhiều cuốn tự điển thường định nghĩa chung chung “thu ý” là “ý vị mùa thu”. Song thử hỏi “ý vị mùa thu” cụ thể là cái gì thì khó mà nói rõ được. Cuốn tự điển Hoa-Anh Wenlin đã có một định nghiã cực kỳ lý thú : “slight chill hinting of autumn”. Đó chính là cái se lạnh gợi nhớ đến mùa thu. Tôi cho rằng không thể có một định nghĩa nào thơ mộng hơn được nữa. Cảm nhận được “ý vị mùa thu” trong cái se lạnh giữa một đêm hè Đà Lạt, quả là điều cực kỳ hứng thú đối với những ai đã từng cảm nhận được mùa thu trong phong vị Đường thi. Song chính trong cái nắng đào buổi sớm, chạy xe quanh bờ hồ Xuân Hương để nghe cái se lạnh ngấm vào người mới là một cái thú tuyệt trần, nhất là đối với du khách lên từ những thành phố nóng bức và bụi bặm ở miền xuôi. Ngồi uống cà phê trên một quán dốc ven hồ, nhìn ra những đồi thông ở xa xa, tôi chợt có một cảm giác bâng khâng man mác về sự tĩnh lặng bình dị, mà ngày cả những quán cà phê ven hờ hồ Hoàn Kiếm vào buổi sơ thu cũng không làm sao đem lại được.
Những chiếc xe ngựa chạy lóc cóc, nghe chậm chạp và đều đều, như tiếng gõ nhịp của thời gian. Cả một thời xa xưa, như còn thấp thoáng đâu đây, qua những hình ảnh phảng phất mơ hồ.
Khắp nơi đều là thông. Và những đồi thông đã tạo nên nét ảo huyền cho thành phố Đà Lạt, ngay giữa mùa hè. Thậm chí cả nơi gọi là “Trúc lâm thiền viện” cũng chỉ thấy một vài khóm trúc lạc lõng. Toàn là thông. Lẽ ra nên gọi là “Tùng lâm thiền viện”! Tôi cố gắng một cách vô vọng để tìm ra, ở nơi đây, cái không khí “Thiền”, mà tôi cảm nhận từ các trang cổ lục Thiền tông, nhưng không sao tìm được. Ngọn Thiền phong chót vót vào đời Đường ở Trung Quốc, cùng tiếng hét khai ngộ vang rền từ thời tổ sư Lâm Tế, truyền đến giai đoạn Trúc Lâm Yên Tử đời Trần ở Việt Nam, giờ đây như đã bị chìm mất vĩnh viễn trong sự mô phỏng tầm thường đầy dung tục. Thêm vào đó, sự ồn ào của đám tạp khách nhàn du đã vô tình phá hỏng thêm cảnh vật của một vùng sơn thủy vô cùng thơ mộng. Cũng may là những đồi thông chung quanh còn giúp tôi cảm nhận được phần nào cái phong vị thoát tục bàng bạc trong các tòa cổ sát thời xưa.
Lướt ghe trên mặt hồ Tuyền Lâm, nhìn những đồi thông hai bên bờ sông; tuy không nghe tiếng nước róc rách, không nghe tiếng thông reo trong gió, chỉ có gió lồng lộng trên mặt hồ, cũng đủ làm hồn khách thêm phơi phới. Giá như đi trên mặt hồ bằng một chiếc đò, vào lúc chiều hôm, có thêm tiếng chuông chùa ngân vang trong những đồi thông, tôi đã hình dung đó là không khí của Đường thi. Chỉ tiếc là khu dã ngoại giữa lòng hồ quá nhếch nhác, cùng với giá cả của các quán ăn dã ngoại sắc ngọt như lưỡi kiếm Ỷ Thiên đã khiến khách cụt cả hứng!
Thông ám ảnh tôi đến mức nhìn những hàng cây mimôsa từ trên cáp treo, tôi lại tưởng tượng ra đó là những cây bạch đầu tùng, loại tùng kiểng vẫn thường trắng xóa đọt vào những ngày đông lạnh giá ở miền Trung.
Tiếng thông reo là một trong những tặng vật tuyệt diệu mà Hóa Công đã tặng cho con người. Nguyễn Du đã từng mong ước : “Hà năng lạc phát quy lâm khứ, Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân” (Làm sao xuống tóc vào rừng, Nghe thông reo gió vang lừng tầng mây). Tôi hình dung nếu Nguyễn Du được sống giữa những đồi thông Đà Lạt, thì tiếng thông reo và hình ảnh sương giăng trên những đồi thông nơi thành phố cao nguyên này sẽ trở nên bất tử với thơ ca.
Trong “U Mộng Ảnh”, Trương Trào đã viết về thông và tiếng thông reo bằng những lời vô cùng thơ mộng. Tôi xin trích ra đây để bạn đọc thưởng ngọan :
· Mùa xuân nghe tiếng chim hót, mùa hè nghe tiếng ve ngâm, mùa thu nghe tiếng côn trùng rả rích, mùa đông nghe tiếng tuyết rơi, ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu réo rắt, trong núi nghe tiếng gió thổi ngàn thông, bên nước nghe tiếng sóng vỗ, mới không sống uổng phí một đời.(Xuân thính điểu thanh; hạ thính thiền thanh; thu thính trùng thanh; đông thính tuyết thanh; bạch trú thính kỳ thanh; nguyệt hạ thính tiêu thanh; sơn trung thính tùng phong thanh; thủy tế thính nội nãi thanh; phương bất khư sinh thử nhĩ)
· Gầy hoa để gọi bướm, chất để mời mây, trồng thông để đón gió, chứa nước để mời bèo; xây đài cao để mời trăng, trông chuối để đón mưa, trồng liễu để gọi ve. (Nghệ hoa khả dĩ khiêu điệp; lũy thạch khả dĩ khiêu vân; tài tùng khả dĩ khiêu phong; trữ thủy khả dĩ khiêu bình; trúc đài khả dĩ khiêu nguyệt; chủng tiêu khả dĩ khiêu vũ; trí liễu khả dĩ khiêu thiền.)
· Dưới thông nghe tiếng đàn cầm, dưới trăng nghe tiếng tiêu, bên khe nghe tiếng thác đổ, trong núi nghe tiếng tụng kinh, tai nghe ra mỗi tiếng đều có ý vị riêng.(Tùng hạ thính cầm, nguyệt hạ thính tiêu, giản biên thính bộc bố, sơn trung thính phạn bối, giác nhĩ trung biệt hữu bất đồng.)
· Đá đặt bên gốc mai nên cổ kính, đá đặt dưới gốc thông nên thô, đá đặt bên gốc trúc nên gầy, đá đặt trong bồn nên tinh xảo. (Mai biên chi thạch nghi cổ, tùng hạ chi thạch nghi chuyết, trúc bạng chi thạch nghi sấu, bồn nội chi thạch nghi xảo.)
· Tính kế một ngày thì trồng chuối; tính kế một năm thì trồng trúc; tính kế mười năm thì trồng liễu, tính kế trăm năm thì trồng thông. (Nhất nhật chi kế chủng tiêu, nhất tuế chi kế chủng trúc, thập niên chi kế chủng liễu, bá niên chi kế chủng tùng.)
· Lấy hoa thông làm lương thực, lấy trái thông làm hương liệu, lấy cành thông làm chổi quét, lấy sóng lao xao trên ngọn thông làm tiếng trống. Ở trong núi mà có được hơn trăm cây thông lớn, có thể dùng mãi không hết. (Dĩ tùng hoa vi lương, dĩ tùng thực vi hương, dĩ tùng chi vi chủ vĩ, dĩ tùng âm vi bộ chướng, dĩ tùng đào vi cổ xúy. Sơn cư đắc kiều tùng bách dư chương, chân nãi thụ dụng bất tận.)
· Mai khiến người cao nhã, lan khiến người lặng lẽ, cúc khiến người quê mùa, sen khiến người điềm đạm, xuân hải đường khiến người xinh đẹp, mẫu đơn khiến người hào sảng, chuối và trúc khiến người phong vận, thu hải đường khiến người kiều mỵ, thông khiến người phóng dật, ngô đồng khiến người thanh cao, liễu khiến người sầu cảm.(Mai linh nhân cao, lan linh nhân u, cúc linh nhân dã, liên linh nhân đạm, xuân hải đường linh nhân diễm, mẫu đan linh nhân hào, tiêu dữ trúc linh nhân vận, thu hải đường linh nhân mị, tùng linh nhân dật, đồng linh nhân thanh, liễu linh nhân cảm.)
· Gió có ba thứ tiếng : có tiếng lao xao thổi ngọn thông như sóng dậy, có tiếng xào xạc trong cây cỏ mùa thu, có tiếng thổi sóng vỗ ì ầm (Phong chi vi thanh hữu tam : hữu tùng đào thanh, hữu thu thảo thanh, hữu ba lãng thanh)
Riêng với Đà Lạt, tiếng thông reo trong gió lại gây ấn tượng cho tôi không sâu đậm bằng hình ảnh những đồi thông lãng đãng trong sương. Khi xe đã lăn bánh qua đèo Pren, tôi vẫn mang hình ảnh những đồi thông về thành phố. Đà Lạt có thể mất đi những thác ghềnh, mất đi những vườn hoa, song còn những đồi thông là vẫn còn Đà Lạt. Còn sương giăng trên những đồi thông thì trong tôi, Đà Lạt vẫn còn là thành phố cổ tích, dù ánh sáng văn minh và những phong trào du lịch xô bồ đã tàn phá đi rất nhiều sự bình yên và thơ mộng một thời.
Huỳnh Ngọc Chiến 6.2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Welcome to Dalat, Vietnam
Vietnam’s Dalat—nicknamed “The City of Love,” “Le Petit Paris,” and “City of Eternal Spring”—has long been popular with Vietnamese and expatriate artists and writers who have taken up residence in villas around town. The area, originally inhabited by the Lat and Ma hill tribes which now live in nearby Chicken Village and Lat Village, increased in popularity during the French colonial era. More than 2,000 beautiful French villas dot the area.
Dalat is known all over Vietnam for its flowers. Set next to Xuan Huong Lake, the Dalat Flower Gardens were established in 1966 by the Vietnamese government, and are refined continually. Among the tastefully arranged flora are orchids, hydrangeas, fuchsias, and ferns. Plants and flowers are also for sale, including special fern fibers used to stop bleeding in traditional oriental medicine. Across the road from the Flower Gardens are nurseries with various types of bonsai trees, artfully laid out around the lake.
Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của ngàn hoa, thành phố của sương mù, nơi có những câu truyện tình lãng mạn đã được giới thiệu trên thơ ca. Đến với thành phố của ngàn thông reo, các bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh, cái trong lành của Đà Lạt, một thành phố giữa rừng, một rừng giữa thành phố. Trước khi tới với Đà Lạt, các bạn hãy đến với "Dalat My Love" để chuẩn bị cho mình chút hành trang nho nhỏ để chuyến đi du lịch Đà Lạt của bạn được trọn vẹn và niềm vui được nhân lên.
Với các bạn đã từng tới Đà Lạt và từng mang trong mình tình yêu Đà Lạt, Dalat My Love sẽ giúp các bạn có những giây phút tuyệt vời tưởng chừng như bạn đang sống giữa Đà Lạt.
Dalat is known all over Vietnam for its flowers. Set next to Xuan Huong Lake, the Dalat Flower Gardens were established in 1966 by the Vietnamese government, and are refined continually. Among the tastefully arranged flora are orchids, hydrangeas, fuchsias, and ferns. Plants and flowers are also for sale, including special fern fibers used to stop bleeding in traditional oriental medicine. Across the road from the Flower Gardens are nurseries with various types of bonsai trees, artfully laid out around the lake.
Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của ngàn hoa, thành phố của sương mù, nơi có những câu truyện tình lãng mạn đã được giới thiệu trên thơ ca. Đến với thành phố của ngàn thông reo, các bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh, cái trong lành của Đà Lạt, một thành phố giữa rừng, một rừng giữa thành phố. Trước khi tới với Đà Lạt, các bạn hãy đến với "Dalat My Love" để chuẩn bị cho mình chút hành trang nho nhỏ để chuyến đi du lịch Đà Lạt của bạn được trọn vẹn và niềm vui được nhân lên.
Với các bạn đã từng tới Đà Lạt và từng mang trong mình tình yêu Đà Lạt, Dalat My Love sẽ giúp các bạn có những giây phút tuyệt vời tưởng chừng như bạn đang sống giữa Đà Lạt.
No comments:
Post a Comment