Sunday, December 23, 2007

Mắc nợ hoa quỳ


“Có ai đi lên đồi giữa mùa hoa quỳ vàng

nghe phấn hoa bám vào trí nhớ
vai áo một mùa
không bạc nếu bước ngược heo may...” - (thơ - Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Trước khi tôi biết, hoa quỳ còn có những tên gọi khác là cúc quỳ hay dã quỳ…

Trước khi tôi biết, nó (hoa quỳ, hoặc cúc quỳ, hay còn gọi là dã quỳ) đã trở thành biểu tượng cho một thành phố hoa (Đà Lạt)…

Trước khi, tôi biết, loài hoa này đã đi nhiều vào văn chương, và có thể, đã từng là ám ảnh, cho cuộc tình nào đó…

Thì, trong tôi, loài hoa vàng kia, là thứ rực rỡ nhất trong tuổi thơ, với cái tên không mấy gợi tình: hoa quỳ. Chỉ đơn giản là hoa quỳ. Mà, tôi hình dung: quỳ, có nghĩa là… quỳ, không đứng, không nằm.

Tôi nghĩ, vì một lẽ gì đó, mà nó phải quỳ để tạ lỗi trước thế gian. Quỳ ngay dọc bờ dậu. Quỳ trong khi phô sắc vàng rực rỡ. Vàng hơn cả mặt trời. Quỳ, mà không canh nổi lũ gà hàng xóm, ngày ngày chạy qua khu vườn nhà tôi bới lạc vừa mới trỉa. Quỳ, mà không canh nổi lũ trẻ chăn trâu, ngày ngày, chui vào khu vườn nhà tôi, bới trộm khoai, bẻ trộm mía… Quỳ, để chứng kiến, những bận tôi bị đánh đòn vì thói sao lãng…

Ngay mùa hoa quỳ nở rực rỡ, tôi có nhiệm vụ phải canh nhà cho ba mẹ đi trường, canh để lũ trẻ hàng xóm đừng vào bẻ trộm mía, bới trộm khoai, và bầy gà đừng vào nhặt những hạt lạc ba tôi vừa mới trỉa, những hạt lạc giống đã xử lý qua nước điếu, để kiến khỏi tha. Vậy mà tôi, đuổi theo nàng Lidơ, nàng đang đi lạc vào khu rừng, nàng đang đói lả và phải ăn táo dại, những con cóc bị phù phép, những chàng hoàng tử bị phù phép biến thành thiên nga,… hang đá lạnh, và những cành tầm gai nàng đang dệt áo, để hóa giải bùa phép cho những người anh của mình. Tôi đuổi theo nàng Lidơ, tôi khóc. Trong lúc, bầy gà chạy vào vườn bới lạc. Lũ trẻ hàng xóm bẻ trộm mía. Còn hoa quỳ, nở rực rỡ dọc bờ dậu.

Tôi từng say bởi vị nhẩn đắng, của cuống hoa quỳ… Bởi mẹ đã bẻ cành hoa quỳ tươi để đánh tôi. Thân cây hoa quỳ xốp nhẹ, roi hoa quỳ, đánh không đau như roi bạch đàn, roi thông, hay roi tre… Nhưng tôi đau, vì thấy mình có lỗi. Tôi đau, vì vẻ bất lực của mẹ. Trận đòn có vị nhẩn đắng. Tôi đau, vì tôi sợ cơn giận giữ của mẹ. Cơn giận giữ, ám ảnh tôi. Mãi khi lớn lên, tôi mới hiểu, vì sao, những cơn giận giữ của mẹ luôn như thế…

Trận đòn có vị nhẩn đắng. Những bông hoa qùy nở rực rỡ dọc bờ dậu. Nàng Lidơ không giúp gì được cho tôi. Hoa quỳ không giúp gì được cho tôi. Chuyện dệt tầm gai để giải bùa ngải là chuyện cổ tích. Đáng lẽ, tôi không nên tin vào cổ tích. Đáng lẽ, tôi không nên đọc nhiều sách. Đáng lẽ, mẹ đừng đánh tôi bằng cây hoa quỳ, vì nó qúa xốp nhẹ. Những trận đòn có vị nhẩn đắng, không đủ sức, để dạy tôi trở thành một đứa con ngoan triệt để. Nếu tôi là đứa con gái ngoan triệt để, có lẽ, tôi nên là một cô giáo làng mẫu mực, với mái nhà yên ấm, anh chồng bộ đội hiền lành và 2 đứa con nhỏ. Như thế, tôi đã có thể ở gần mẹ, để tỏ lòng hiếu thảo, khi nấu cho mẹ bát canh cua, chứ không phải như bây giờ…

Tôi đã không phải là đứa con gái ngoan hiền triệt để. Tôi chưa bao giờ là đứa con gái ngoan hiền triệt để. Có nghĩa là tôi vẫn ngoan hiền, nhưng chưa bao giờ triệt để. Vậy thì, đáng lẽ, nếu đã như vậy thì tôi cũng nên “nổi loạn”... Như thế, có lẽ tôi sẽ làm nên chuyện. Nhưng tôi không ngoan hiền, cũng chẳng thể hư hỏng. Tôi nổi loạn, mà trong lòng đầy mặc cảm… Những nổi loạn đầy nỗi mặc cảm, đã không để tôi được bình yên. Hoa quỳ có vị nhẩn đắng. Tôi mắc nợ…

Bây giờ, tôi vẫn đọc sách. Trong sách, người ta gọi hoa quỳ là hoa cúc quỳ. Lại có người gọi hoa quỳ là hoa dã quỳ. Sắc vàng rỡ lại một lần nữa nhóm lên trong tôi điều tưởng đã lụi tắt…

Tôi phải tiếp tục hành trình này... Vì trong tôi, hoa quỳ dù có vàng rỡ vẫn mang vị nhẩn đắng,… Tôi mắc nợ hoa quỳ. Tôi tiếp tục hành trình. Vì một lần nữa. Tôi tin. Tin như ngày nhỏ đã từng tin vào cổ tích… Hay trong thâm tâm, chưa bao giờ tôi hết tin vào cổ tích? Hay tôi phải một mình dệt tầm gai, (dù không phải trong hang đá lạnh, của khu rừng bí ẩn, mà ở ngay trong căn gác cho thuê, của một thành phố, mà điều phi lý nào cũng có thể giải thích) để giải bùa ngải cho chính tôi từ hàng nghìn kiếp trước?

(Nguồn Blog Donacamela)

No comments:

Welcome to Dalat, Vietnam

Vietnam’s Dalat—nicknamed “The City of Love,” “Le Petit Paris,” and “City of Eternal Spring”—has long been popular with Vietnamese and expatriate artists and writers who have taken up residence in villas around town. The area, originally inhabited by the Lat and Ma hill tribes which now live in nearby Chicken Village and Lat Village, increased in popularity during the French colonial era. More than 2,000 beautiful French villas dot the area.

Dalat is known all over Vietnam for its flowers. Set next to Xuan Huong Lake, the Dalat Flower Gardens were established in 1966 by the Vietnamese government, and are refined continually. Among the tastefully arranged flora are orchids, hydrangeas, fuchsias, and ferns. Plants and flowers are also for sale, including special fern fibers used to stop bleeding in traditional oriental medicine. Across the road from the Flower Gardens are nurseries with various types of bonsai trees, artfully laid out around the lake.

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của ngàn hoa, thành phố của sương mù, nơi có những câu truyện tình lãng mạn đã được giới thiệu trên thơ ca. Đến với thành phố của ngàn thông reo, các bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh, cái trong lành của Đà Lạt, một thành phố giữa rừng, một rừng giữa thành phố. Trước khi tới với Đà Lạt, các bạn hãy đến với "Dalat My Love" để chuẩn bị cho mình chút hành trang nho nhỏ để chuyến đi du lịch Đà Lạt của bạn được trọn vẹn và niềm vui được nhân lên.

Với các bạn đã từng tới Đà Lạt và từng mang trong mình tình yêu Đà Lạt, Dalat My Love sẽ giúp các bạn có những giây phút tuyệt vời tưởng chừng như bạn đang sống giữa Đà Lạt.